Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Làm nguôi cơn nóng giận của bạn

Một cậu bé chạy vào nhà với chiếc quần bị rách toạc. Mẹ cậu bé rất tức giận, vì chuyện này đã xảy ra rất nhiều lần rồi. Bực quá, bà mẹ bảo con trai: “Bây giờ con vào ngay phòng con, bỏ cái quần đó ra, và tự khâu lại vết rách đó đi!”. Trong khi cậu bé tội nghiệp chưa từng cầm kim chỉ bao giờ.
Cho nên, thật dễ hiểu khi một chút sau đó, bà mẹ nhìn thấy cái quần nhàu nhĩ trên sàn trong phòng cậu con trai – và vết rách toạc cũng vẫn còn ở đó. Bà nhìn quanh tìm con. Thấy đèn dưới tầng hầm đang bật sáng, bà bực bội gọi với xuống: “Không mặc quần mà làm cái gì ở dưới đó đấy hả?”.

Một chút im lặng, rồi một giọng nam giới ngập ngừng cất lên: “Không ạ, thưa bà, tôi chỉ đang kiểm tra đồng hồ ga nhà bà thôi mà”.

Những ai đã làm bố mẹ hẳn là hiểu được cơn nóng giận của người mẹ nói trên.
Nhưng ngược lại, tôi thực sự không hiểu được một người đàn ông ở Los Angeles bị cảnh sát bắt vì tội sử dụng vũ khí bừa bãi, sau khi anh ta bắn… bồn toilet nhà mình đến 5 lần bằng một khẩu súng ngắn (đúng, đây là câu chuyện có thật). Tại sao anh ta lại định “ám sát” một thứ đồ dùng trong nhà? Hóa ra, anh ta nổi giận điên lên khi không thể lôi được cái lược mà con gái anh ta đã thả vào bồn cầu và giật nước.

Người đàn ông này lẽ ra nên nghe theo lời khuyên của Thomas Jefferson, một trong những vị Tổng thống của nước Mỹ:“Khi giận dữ, bạn hãy đếm đến 10 trước khi nói. Còn nếu bạn rất giận dữ, hãy đếm đến 100”.
Tôi nghĩ câu này nên áp dụng cả với việc dùng vũ khí nữa.
Hoặc cũng có thể một cách khác có hiệu quả hơn với bạn. Như câu chuyện này: Một người chồng hỏi vợ: “Khi anh nổi cáu với em, em chẳng bao giờ cãi lại. Làm sao em kiềm chế được cơn giận của mình?”.
Cô vợ mỉm cười: “Những lúc như thế, em đi cọ bồn toilet”. (Chà, lại toilet!).
“Nhưng như thế thì ăn thua gì?” – Anh chồng ngạc nhiên hỏi.
“Em dùng cái bàn chải đánh răng của anh” – Cô vợ nhẹ nhàng đáp.

Bản thân cảm xúc giận dữ không phải là điều xấu. Một chút giận dữ, bùng nổ có thể là điều cần thiết để làm cho đúng những gì đang sai trên thế giới. Nhưng vấn đề ở đây không phải là bạn đang giận đúng hay giận sai, mà là biết kiểm soát cơn giận của mình.

Bởi vì có rất nhiều cuộc hôn nhân bị hủy hoại, nhiều sự nghiệp bị sụp đổ, và nhiều mối quan hệ đủ kiểu bị làm hỏng bởi những cơn giận không thể kiểm soát. Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi những tôn giáo lớn nhất trên thế giới đều có những điều nói về sự giận dữ, và khuyên bạn nên biết kiềm chế.
Tôi cũng rất thích câu châm ngôn mà Mahatma Gandhi treo trên bức tường của mình:
“Khi bạn đúng,
Bạn có thể giữ được sự bình tĩnh của bạn;
Còn khi bạn sai,
Bạn không thể để mất sự bình tĩnh đó”.

Tôi chắc chắn rằng mình không bao giờ có thể diễn đạt được hay hơn thế.


Đặng Mỹ Dung (Dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét