Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

CHA VÀ NHỮNG KÍ ỨC....

Một câu chuyện vô cùng chân thật và xúc động giữa đời thường...
Tác giả của bài viết muốn nói hộ nỗi lòng của mẹ mình với người Ông đáng kính. Cùng cảm nhận và chia sẻ bạn nhé!
                                        
                                                   CHA VÀ NHỮNG KÍ ỨC....

Hà Nội thời bao cấp nghĩ lại mà tôi vẫn rùng mình. Mang tiếng là dân thành phố nhưng chẳng bằng đứa trẻ nông thôn ít gì cũng có con lợn, con gà, vườn cây ao cá, cái đói cứ ám ảnh gia đình chúng tôi triền miên.
Ngày đó, cha tôi làm việc cho Nhà nước nên may mắn có được 5 kg thịt mỗi tháng. Cha thường đổi lấy thịt mỡ để được nhiều hơn.


Mẹ thường xắt thịt thành hạt lựu, kho thật mặn rồi cất vào hũ thủy tinh, mỗi bữa ăn chỉ gắp ra đĩa 3 - 4 miếng. Lũ trẻ chúng tôi nhìn đĩa thịt ít ỏi, mặn chát mà lòng háo hức.Bữa nào tôi cũng mời cha ăn nhưng cha đều bảo thích ăn cơm với khoai hơn rồi nhìn chúng tôi cười trìu mến. Tôi thấy sở thích của cha thật lạ.

Những ngày hè ở miền Bắc trời nóng khủng khiếp, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những câu thơ ngộ nghĩnh trẻ thơ “những trưa tháng 6 nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy”. Và tôi cũng nhớ hình ảnh cha hàng đêm, ngồi trên giường tre quạt mát cho anh em tôi. Bóng cha cao lớn, tiếng quạt đều đặn đi vào giấc mơ của tôi.

Cha tôi mồ côi từ rất nhỏ, ông đi nhiều nơi, bươn chải nhiều nghề để kiếm sống nên tầm hiểu biết và vốn sống vô cùng sâu sắc. Ông nhân hậu và trải lòng với tất cả mọi người. Ông dạy chữ cho anh em tôi, dạy chúng tôi sống sao cho phải đạo.

Năm lên 5, tôi nhặt được một chiếc nón rất sang của người ta đánh rơi trên đường. Cha không tin cứ nghĩ tôi thích nón đẹp nên ăn trộm. Lần đầu tiên, cha đánh tôi một roi mây. Sáng hôm sau, tôi trả ngay chiếc nón lại giữa đường. Sau này lớn lên, tôi sống chân thật, không lấy không của ai cái gì, cũng không ham mê cái đẹp, vinh hoa phù phiếm không phải của mình.


Đến khi tôi lập gia đình cũng chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Lúc tôi sinh con đầu lòng, mẹ ốm con ốm bồng bế nhau, cha lén mẹ không ăn ở cơ quan đế dành dụm tiền. Cứ mỗi lần đi công tác qua nhà lại xin dừng xe chạy vào dúi cho tôi một lon sữa trẻ em với vài đồng bạc.

Cha chỉ kịp cười với cháu rồi đi ngay. Nhìn sau lưng dáng ông tất tưởi mà lòng tôi nghẹn ngào....

Sau này tôi lao vào làm việc kiếm tiền, cùng chồng gây dựng gia đình, thoát khỏi cảnh nghèo. Một hôm trượt chân và gãy xương ống khuyển, tôi bị bó bột nằm liệt giường với 2 đứa con nhỏ, bộn bề nhà cửa còn chồng công tác dài ngày.

Vừa biết tin, Cha vội vàng vào chăm tôi và đàn cháu nhỏ. Ở cái tuổi thập cổ lai hy, ông thoăn thoắt đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, đưa cháu đi học, ru cháu ngủ say… Tôi khóc trong lòng, như trở về những ngày còn nhỏ, dựa vào lòng Cha và cảm thấy cuộc đời thật bình yên.

Một ngày nọ, Cha bị tai biến mạch máu não, ông té xuống rồi bất tỉnh. Cha tôi tỉnh lại nhưng không còn giống trước đây. Cha gắt gỏng, thức cả ngày lẫn đêm, nói năng lung tung… ông thường kể tội tất cả mọi người, không tin ai nữa, ông mắng chửi, rền rĩ, Cha chỉ còn là tấm thân nặng nề bất động một chỗ trên giường bệnh.

Ba anh em tôi lúc đầu chăm sóc cha rất kĩ lưỡng, nhưng dần dà không thể theo ông suốt đêm ngày, bỏ con cái, bỏ cuộc sống mưu sinh. Anh tôi quyết định thuê người nuôi cha. Anh và em gái tôi thay nhau vào Sài Gòn thăm cha hàng tuần.

Nửa tháng sau đợt coi thi, chấm thi tốt nghiệp tôi mới vào thăm Cha. Tôi thấy cha ngồi trên xe lăn gầy rạc đi, khuôn mặt ngẩn ngơ buồn rười rượi mà hai hàng nước mắt  chảy dài....

Về sau tôi bán đổ bán tháo căn nhà cũng hơn nửa đời người gây dựng, bỏ sự nghiệp còn dang dở…cùng gia đình về quê. Chồng tôi xin nghỉ hưu sớm, tôi làm giáo viên dạy một tuần chỉ vài ba tiết và dành thời gian chăm sóc Cha. Cha vẫn gắt gỏng, sinh hoạt thất thường và nói năng lung tung. Bây giờ mọi sinh hoạt của cha từ lớn đến nhỏ đều phải nhờ vào tôi... và lúc này, cha dựa vào lòng tôi, mỉm cười thật bình yên.
(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét